Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Khám bệnh miễn phí đề phòng miễn phí cái này thu phí cái kia

[Bảo Hiểm Du Lịch Quốc Tế] Thời gian gần đây, hơn 200 bệnh viện lớn nhỏ tại TP. HCM ngày nào cũng có chương trình khám bệnh miễn phí. Nhiều chương trình rất thiết thực và có ý nghĩa cho người dân tuy nhiên nhiều chương trình lại khiến người dân cảm thấy phiền lòng.


Vừa nhìn thấy tấm bảng quảng cáo treo trên cổng Bệnh viện mắt KTC Phương Nam trên đường Điện Biên Phủ, Q. 3 với dòng chữ “Khám miễn phí cho 100 bệnh nhân trên 50 tuổi mắc bệnh cườm nước từ ngày 9-31/10” nhiều người đã dừng lại ghi số điện thoại. Bác Nguyễn Văn Hoàng, 63 tuổi ở Q. Tân Bình, sau một hồi lục lọi điện thoại gọi ngay khi thấy tấm bảng đã hồ hởi “Rồi, bác đăng ký được rồi, sáng 9/10 có mặt thôi”.

Khám bệnh miễn phí đề phòng miễn phí cái này thu phí cái kia

Kiếm suất miễn phí để tiết kiệm tiền.

Bà Nguyễn Thị Lệ, 59 tuổi ở quận Bình Thạnh tính toán, mỗi lần đo loãng xương, khám tổng quát cơ xương khớp cũng mất vài trăm ngàn đồng. “Mình già rồi, lấy tiền đâu để trả”- bà nói. Bà không muốn khám bảo hiểm y tế vì “đợi chờ mà khám cũng qua loa lắm”. Một trường hợp khác là Chị Hảo, 40 tuổi ở Hậu Giang, theo chồng lên TPHCM phụ hồ, kể: “Hôm đi chợ, ngang qua Bệnh viện Ung bướu thấy treo biển đăng ký khám miễn phí nên tôi vào đăng ký luôn”.

Khi hay tin chương trình khám sàng lọc ung thư vú miễn phí triển khai tại TPHCM, có hàng nghìn phụ nữ đăng ký tham gia. Chị Huyền, trực tổng đài tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, nhiều lúc cuộc gọi tới tấp khiến mạng nghẽn. “Nhu cầu rất lớn nhưng chúng tôi ít khi đáp ứng hết được” - chị Huyền nói. 

Là người bệnh đái tháo đường, ông Huỳnh Văn Lai, 61 tuổi ở quận 5, thường xuyên sinh hoạt trong câu lạc bộ về bệnh này tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đều đặn hằng tuần, ông cùng 50 bệnh nhân khác tụ tập chia sẻ kinh nghiệm đối phó với bệnh. Tại đây, các bệnh nhân còn mách cho nhau nơi nào khám hay điều trị miễn phí để cùng nhau đăng ký. Ông Lai cho biết, có tháng ông khám ở BV Nhân dân 115, tháng khác lại qua BV cấp cứu Trưng Vương hoặc Bình Dân.

Chú Lai đang xem xét giấy tờ đăng ký khám bệnh miễn phí

Cũng nhờ khám bệnh phẫu thuật miễn phí mà nhiều bệnh nhân nghèo đã được chữa trị. Chị Phan Thị Vui, ở Long An, cho biết gửi hồ sơ con bị tim bẩm sinh nhờ Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo giúp đỡ 5 năm qua nhưng vẫn chưa tới lượt. Cách đây một tháng, chị Vui như mở cờ trong bụng khi một chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho bệnh nhi nghèo diễn ra ở Viện Tim Tâm Đức, con của chị được phẫu thuật.

“Hơn 100 triệu đồng cho ca phẫu thuật, cả đời em cũng không có để lo cho con. May quá, em nộp đơn xin 10 lần ở bệnh viện, chắc họ thấy kiên trì quá nên mới đưa vào danh sách” - chị Vui hớn hở.

“Miễn cái này nhưng mất phí cái kia”

Khám bệnh miễn phí đang nở rộ từ bệnh viện công lẫn bệnh viện tư, mang lại lợi ích cho người bệnh, nhất là người nghèo. Tuy nhiên, trong một vài chương trình khám bệnh miễn phí, các bác sỹ lại hướng người dân mua thuốc, sản phẩm hỗ trợ trị bệnh, thậm chí “lái” người bệnh vào bệnh viện của mình để phẫu thuật. Tất nhiên đều có thu phí.

Một bệnh nhân cho biết, nghe khám mắt miễn phí ở một bệnh viện quận 3 vội đến đăng ký. Tuy nhiên, khi khám xong, bác sĩ bảo bị cườm và ghi vào hồ sơ mổ gấp. “Trước đây, một bác sĩ chuyên khoa mắt ở BV Mắt TPHCM nói mắt tôi chưa cần mổ. Vậy mà khám tại đây họ nhiệt tình bảo tôi mổ với giá hơn 10 triệu đồng”- người này nói.

Tại Bệnh viện tư nhân Hồng Đức ở quận Gò Vấp, người ta giăng bảng thông báo khắp đường là tổ chức hội thảo, khám sàng lọc tiêu hóa, trực tràng miễn phí cho người bệnh.
Nhưng khi đến nơi, một số người cảm thấy thất vọng vì nhân viên bệnh viện và bác sĩ dành phần lớn thời gian để tranh thủ giới thiệu về gói bảo hiểm khám chữa bệnh tại bệnh viện có giá lên cả trăm triệu đồng trong một năm. Nhiều người nghèo nghe đến lại lủi thủi ra về.

“Tìm hiểu kiến thức về bệnh tật là rất tốt, được khám miễn phí lại càng tốt nhưng không thực hiện mà lợi dụng để quảng bá ưu đãi của bệnh viện thì người dân không quan tâm”- một người dân ở quận Gò Vấp chia sẻ. Một bệnh viện quốc tế ở quận 1 tuy khám bệnh miễn phí cho người dân nhưng lại kết hợp với một công ty bảo hiểm nhân thọ. “Sau 10 ngày đăng ký, khi tôi đến nơi hồi hộp chờ bác sĩ từ nước ngoài sang thăm khám miễn phí thì nhân viên bệnh viện kêu chờ” - chị Hồ Thị Ngọc, ở quận 1 kể.

“Chờ thì không sao, nhưng sau đó người của bệnh viện giới thiệu có người bên phía bảo hiểm lên trình bày làm nhiều người mệt mỏi. Họ nói về gói bảo hiểm sức khỏe, gói bảo hiểm an sinh trọn đời rồi trực tiếp tư vấn tham gia khiến chúng tôi quá ngán. Nhiều người chịu không nổi liền bỏ về”- chị Ngọc nói.

“Chuyện miễn cái này nhưng lấy phí cái kia” thường diễn ra ở các chương trình khám miễn phí. Có tổ chức khám tiểu đường cho người bệnh nhưng lại kết hợp với một công ty trang thiết bị y tế. Khi khám xong, biết người dân mắc bệnh lại “bắt” họ mua máy test nhanh thử máu, mỗi cái vài trăm ngàn đồng. Anh Nguyễn Hiền, ở huyện Cần Giờ, TPHCM kể một đoàn khám miễn phí cho người dân ở đây lại bán thực phẩm chức năng về thoái hóa khớp, với giá 200-600 nghìn đồng/sản phẩm.

“Bà con khám đều được chẩn đoán viêm khớp hoặc thoái hóa khớp cả khi chưa làm xét nghiệm cho họ. Nhiều người tự xưng là bác sĩ yêu cầu họ mua thuốc nếu không bệnh sẽ nặng thêm và dân nghèo sợ bệnh nên ai cũng kiếm tiền mà mua”- anh Hiền kể. 

Theo Lê Nguyễn - Báo Tiền Phong

BẢO HIỂM DU LỊCH QUỐC TẾ  - XIN VISA ĐI NƯỚC NGOÀI


Chúng tôi luôn sẳn sàng hỗ trợ bạn 24/7 theo số máy 0944 527 627 / 0989 102 462 từ những thắc mắc thông thường đến những tình huống khẩn cấp trong suốt chuyến đi.

Chúc bạn cùng gia đình và người thân có một chuyến du lịch thật vui, an toàn và tràn đầy ý nghĩa.

Tân Bảo Hiểm
Bảo hiểm du lịch Quốc tế

0 nhận xét:

Đăng nhận xét